Showroom sản phẩm

Kinh doanh sự "không hoàn hảo"

Trong thiên truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, bộ kinh mà thầy trò lão Tôn mất bao công sức thỉnh về đến phút cuối lại bị rách mát mấy trang. Thầy Đường Tăng đau xót, lão Tôn an ủi: “Sư phụ ơi, đến vũ trụ còn không hoàn hảo nữa là”.

Không đối xứng mới là đẹp

Thời trang là một trong những ví dụ cụ thể, sinh động nhất cho quan niệm không có sự hoàn hảo, với những chi tiết không đối xứng như áo một vai, rồi quần jean bị xé rách… và hơn thế nữa! Đặc biệt, giới sành thời trang cho hay, người Nhật vốn đòi hỏi sự hoàn hảo tối đa của đồ điện tử nói riêng và mọi sản phẩm nói chung, nhưng giới trẻ Nhật lại ưa thích những thứ đồ cực kỳ phá cách, cực kỳ xa lạ với cái đẹp chỉn chu. Vậy là, từ sự không hoàn hảo (vốn có và ngoài ý muốn), nhà sản xuất bèn chủ ý tạo ra những sản phẩm “có lỗi”. Nghe nói, thời xa xưa, gốm men rạn đã ra đời như vậy. Phát hiện ra độ co ngót không đồng đều giữa xương gốm và men đã tạo ra những đường nứt rạn độc đáo trên các sản phẩm gốm “hỏng”, các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Việt Nam) sau đó đã bắt đầu phát triển dòng gốm men rạn từ khoảng cuối thế kỷ 16 và đạt đến độ chuẩn mực vào thế kỷ 17. Mãi đến đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân gốm vẫn giữ cung cách “làm hỏng” gốm kiểu này.

Phương Đông đã vậy, phương Tây càng thẳng thắn cho rằng, làm chi có sự hoàn hảo tuyệt đối - trái táo biểu tượng của Apple chẳng cũng khuyết mất một góc đó sao! Và họ cũng tạo ra những sản phẩm vờ như có lỗi cho thuận với lẽ trời (?). Một trong những mẫu giày của hãng thời trang nổi tiếng Salvatore Ferragamo dành cho nam giới (đang thịnh hành tại các “kinh đô thời trang” như Milan, London và New York) có những vệt màu lem nhem trên mũi, nom như “tác phẩm” của một chú bé nghịch ngợm trên đôi giày mới mua của bậc phụ huynh khả kính. Số là lúc sinh thời, nghệ sĩ Pop Art người Mỹ - Andy Warhol - rất ưa thích một đôi giày nhãn hiệu Salvatore Ferragamo. Đôi giày làm ông dễ chịu và ông thường mang nó nhiều giờ liền mỗi khi đứng vẽ. Khi ông qua đời (1987), đôi giày cũ này được đem bán đấu giá với những vệt màu lem nhem trên mũi. Nhiều năm sau, Salvatore Ferragamo “bắt” lấy chi tiết này để tạo ra phiên bản mới với số lượng có hạn của đôi giày đã đi vào lịch sử này. Sự “không hoàn hảo” của đôi giày cũ, cộng với tên tuổi lẫy lừng của nghệ sĩ quá cố đã gợi nên một ý tưởng kinh doanh độc đáo.

Tiện thể, xin nói thêm rằng, việc thẳng thắn thừa nhận sự không hoàn hảo trong sản phẩm của mình cũng là một cách thuyết phục khách hàng hiệu quả. Chuỗi siêu thị Seiyu của Nhật Bản thay đổi giá cá tươi nhiều lần trong ngày, phụ thuộc vào độ tươi của cá. “Đúng là điều này người Mỹ phải học người Nhật Bản”, Thomas Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” từng thốt lên như vậy.

(Theo An Phương // Báo Doanh nhân)

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn