Showroom sản phẩm

Chuyện nhỏ, cơ hội lớn

Trong vô số các thương hiệu, chỉ những thương hiệu nào giành trọn được thiện cảm của khách hàng mới có thể tồn tại và phát triển

Một trong những bí quyết quan trọng để doanh nghiệp thành công là biết tận dụng lợi thế từ những điều rất nhỏ.

Thông thường, để hoạch định một công cuộc kinh doanh, các nhà quản trị doanh nghiệp thường chăm chú vào những thứ to tát: chiến lược, thị trường, vốn, phát triển nguồn nhân lực... Những chi tiết ấy thực sự quan trọng, nhưng chưa hẳn đã mang tới thành công nếu bỏ qua những thứ “nhỏ nhặt” mà góp phần không nhỏ để tạo nên một thương hiệu bền vững với tính cạnh tranh cao.

Chiếc sạc điện thoại trong bệnh viện

Khá nhiều bệnh viện ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM quy định cấm sử dụng ổ cắm điện bừa bãi. Mục đích là phòng chống cháy, nổ do chập điện hoặc bất cẩn. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh: nếu ai đó đang ở trong bệnh viện nhưng điện thoại di động - thứ đồ thiết thân hết pin thì sao? Có một bệnh viện phụ sản lớn tại TPHCM đã tìm ra lời giải bài toán này bằng cách mở quầy sạc điện thoại. Bất cứ ai có nhu cầu, hãy đến quầy, gửi điện thoại để sạc. Khách sẽ được trao một biên nhận rồi vài giờ sau quay lại lấy. Phí sạc khá rẻ, tương đương với một lần gửi xe. Lợi ích hẳn là đã rõ: vẫn đảm bảo an toàn phòng cháy, mà lại đáp ứng được nhu cầu của số đông.

Logic kinh doanh rất rõ ràng và đơn giản. Đó là nếu đóng một cánh cửa thì phải mở ra cánh cửa khác.

Nhớ tên khách hàng và giữ xe miễn phí

Một cửa hàng bán hải sản đông lạnh tại quận 10, TPHCM, lại có một cách chiều khách tưởng chừng chỉ là tiểu tiết. Cô chủ cửa hàng lưu và nhớ rất nhiều tên khách hàng cùng thói quen mua hàng của họ.

Vì vậy, chỉ nhìn khách là cô giới thiệu hàng rất “khớp” với ý định của họ: mua mắm, mực một nắng, cá bớp hay cá mú. Cộng với chuyện ruột cá của cửa hàng luôn được làm sạch, giá cả phải chăng và đóng gói cẩn thận, cửa hàng nói trên đã “ghi điểm” với khá nhiều khách quen. Người chủ cửa hàng nói trên cho rằng: “Ai cũng thích được nhớ tên và với mỗi người, tên có thể là từ quan trọng nhất. Việc nhớ tên và thói quen của khách hàng sẽ khiến họ thấy chính mình là riêng biệt. Như thế khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn và có ấn tượng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng hàng hóa”. Cũng liên quan đến “những thứ nhỏ nhặt”, một số tiệm ăn, nhà hàng, cửa hàng vật dụng, quần áo... không lấy tiền giữ xe của khách. Chỉ vài nghìn đồng nhưng nếu khách phải trả thêm ngoài “món chính”, họ cũng không cảm thấy hoàn toàn thoải mái. “Nếu khách có cảm giác bị “tận thu”, họ có thể chọn chỗ khác để mua”, một chủ quán cà phê trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM, cho biết.

Tất nhiên, “chuyện nhỏ” này không phải lúc nào cũng hiển nhiên được giải quyết nếu chỗ giữ xe không thuộc quyền quản lý của nơi bán hàng. Người chủ có thể thương lượng để chia sẻ doanh thu cho người giữ xe hoặc độc lập với nhau trong thu chi.

Cúc áo và một tỷ đô la Mỹ

Cuối những năm 1990, một nhóm công nhân ở San Francisco (Mỹ) đã phát hiện cơ hội kinh doanh từ những cúc áo bị bỏ đi nhưng có hình dạng và hoa văn rất lạ. Họ đã nhặt và bán lại cho một số khách hàng. Sau đó, họ nhanh chóng trở thành khách hàng của các xưởng sản xuất cúc áo rồi đến người môi giới thương mại.

Định vị thương hiệu chính là kết quả của việc giành trọn thiện cảm của khách hàng.

Đó là khởi đầu của tập đoàn kinh doanh cúc áo, khuy áo hàng đầu của Mỹ, Button Lechison. Doanh số hiện nay của họ lên đến hàng tỷ đô la Mỹ. Cơ hội kinh doanh có thể đã không bật ra và giúp họ lớn mạnh nếu bỏ qua chiếc cúc áo nhỏ. Không có chiếc cúc áo nào đáng giá một tỷ đô la Mỹ, nhưng một tỷ đô la Mỹ có thể được làm ra từ những chiếc cúc áo. Sẽ không phù hợp lắm khi gắn Button Lechison với các ví dụ trên. Thế nhưng, những câu chuyện đó có điểm chung là cơ hội có thể bắt đầu từ những chuyện nhỏ và biết tận dụng cơ hội nhỏ sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn.

Định vị và phát triển

Chắc chắn bệnh viện phụ sản trong câu chuyện ở đầu bài không thể giàu thêm bằng dịch vụ sạc điện thoại. Tuy nhiên, họ đã rất hiểu và luôn đặt mình đồng hành với nhu cầu của khách hàng. Dịch vụ sạc điện thoại khiến khách hàng cảm thấy thuận tiện và hài lòng. Đó là dấu ấn tuy nhỏ nhưng quan trọng để khách hàng nhớ đến điều lớn hơn - thương hiệu. Sự hình thành thương hiệu là một con đường rất dài. Theo tỷ lệ 20/80, chỉ có 20% doanh nghiệp sống sót sau quá trình khắc nghiệt của cạnh tranh và đào thải. Rồi chỉ có 20% trong số ấy được thị trường “nhớ mặt”. Theo hành trình sàng lọc dữ dội như vậy, số doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu ở tầm toàn cầu là rất nhỏ so với số doanh nghiệp “hy sinh” trên đường tới đích. Song chắc chắn, thành quả kết tinh bằng thương hiệu đã chất chứa rất nhiều yếu tố tuy nhỏ bé nhưng không thể thiếu trong sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, “những chuyện nhỏ” lại là một rào cản lớn của nhiều chủ doanh nghiệp. Lý do là trước khi bước vào thương trường, không ít người đã tự nhồi nhét những ước vọng lớn lao như: trở thành số một, chinh phục thị trường nội địa để bước ra thị trường khu vực và toàn cầu, doanh số nhiều triệu và tỷ đô la Mỹ... Mải ngắm bầu trời cao, họ thường sẽ không để ý những bước nhỏ của chân mình. Và như thế, có thể họ sẽ bị hẫng. Định vị thương hiệu chính là kết quả của việc giành trọn thiện cảm của khách hàng. Đấy là câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ”. Ai biết đi trước, khôn ngoan sẽ vượt lên và chiến thắng. Một chi tiết nữa là trong quá trình kinh doanh, họ cũng học hỏi để nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, ít người lưu tâm rằng, ngay ở các trường đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp, phần nhiều giảng viên cũng chỉ xuất phát từ môi trường học thuật.

Dù giảng viên uyên bác nhưng hầu hết trong số họ thiếu những va đập của thực tế kinh doanh khắc nghiệt. Các thầy cũng chỉ có sở trường về những bài học ở tầm lý luận vĩ mô. Trong khi đó, rất nhiều diễn biến của kinh doanh không có trong bất cứ giáo trình nào!

(Theo Vũ Thượng // Báo Doanh nhân)

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn