Showroom sản phẩm

Trang Tử tâm Đắc: Thuật xử thế của Thánh Nhân

  

Thông tin

Tên sách: Trang Tử tâm đắc

Tác giả: Yu Dan

Ấn hành: NXB Trẻ

Số trang: 228

Hình thức: Bìa mềm

Ngày xuất bản: 11/2011

Giá bìa: 68.000đ



Giới thiệu cuốn sách

Nỗi bối rối lớn nhất của người hiện đại là làm thế nào để đối mặt với thế giới bên ngoài thiên biến vạn hóa mà trong lòng không hề thay đổi. Nếu chúng ta không có một sức mạnh nội tâm thì sẽ buông xuôi, đánh mất chính mình; nhưng nếu tự làm theo ý thích, bất chấp tất cả thì sẽ không được xã hội dung chứa. Vậy thì làm thế nào để đạt được sự yên định trong lòng như Trang Tử đề xướng?


Trong cổ học Trung Hoa, Trang Tử là một tên tuổi lớn với tác phẩm Nam hoa kinh. Tư tưởng trong Nam hoa kinh trở thành nguồn cảm hứng suy tư của nhiều người qua nhiều thời đại. “Thi nhân Việt Nam” - Yến Lan từng có thơ về Nam hoa kinh, rằng:

“Sáng đọc Nam hoa kinh

Tối nằm mơ hóa bướm

Mừng mình chủ được mình

Dạy thổi nồi khoai sớm”.

Mọi người đều biết, Trang Tử là người có tâm hồn không nhuốm hồng trần, không lụy thế tục, tự do tự tại, biết giũ bỏ mọi vật tục, tạp niệm để cho tâm hồn mình giao hòa cùng tinh thần trời đất. Trên đến tận trời xanh, dưới đến tận suối vàng, khi vui thì ông cười, khi giận thì ông mắng, kiến giải sâu sắc, luận khắp anh hùng trong thiên hạ.


Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về cuộc đời Trang Tử. Ghi chép về cuộc đời ông chỉ là vài dòng ngắn gọn trong sách Sử ký Tư Mã Thiên: “Trang Tử là người đất Mông thuộc nước Tống thời Chiến Quốc (nay thuộc huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam). Ông từng giữ chức Tất Viên tiểu lại (tương đương với chức thủ kho ngày nay)”. Để hiểu rõ hơn người khai sinh ra những tư tưởng bất hủ, NXB Trẻ và First News vừa ấn hành Trang Tử tâm đắc của GS Yu Dan do Lê Tiến Thành - Dương Ngọc Hân dịch.



Những câu chuyện về Trang Tử cách đây hàng ngàn năm với những vấn đề nóng bỏng như “danh, lợi”, về “nhận thức chính mình” và về vấn đề sinh tử vẫn còn hấp dẫn với bạn đọc ngày nay. Cùng với những phân tích, bình luận giản dị, trực tiếp và tinh tế của tác giả Yu Dan - bà hiện là GS tại ĐH Bắc Kinh - đã đưa những tư tưởng của Trang Tử gần gũi hơn với độc giả trong thế kỷ 21 này.


TS Nguyễn Đình Phức, Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM - người giới thiệu và hiệu đính Trang Tử tâm đắc: “Giáo sư Yu Dan là một trong những học giả nổi danh ở mảng văn hóa truyền thống Trung Quốc, những bài giảng của bà về Nam hoa kinh của Trang Tử và Luận ngữ của Khổng Tử phát trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem. Cuộc đời con người ắt cần đến công danh, nhưng công danh không phải là tất cả; ngoài công danh, con người ta bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với vô vàn vấn đề to lớn, như sống chết, tự do, bất tử… Chìa khóa để vượt qua tất cả những điều này, có lẽ không thể tìm ở đâu khác ngoài Trang Tử”.

Trích đoạn sách hay

Một con người có thể khốn quẫn do nghèo khó, nhưng việc trong lòng có thực sự để tâm đến sự nghèo khó ấy hay không và coi trọng chữ “lợi” đến mức nào sẽ quyết định thái độ của người đó trước nghèo khó.

Trang Tử có xem trọng chữ “lợi” không khi mà xung quanh ông toàn là những kẻ giàu có? Trong thiên Liệt ngự khấu, ông kể một câu chuyện như sau:

Ở nước Tống có một người tên là Tào Thương. Một hôm y rất vinh hạnh được vua Tống sai đi sứ nước Tần. Khi ấy Tần là nước lớn mạnh nhất ở phía Tây.

Khi ông ta xuất phát, nước Tống chỉ trang bị cho y mấy cỗ xe ngựa. Tào Thương đến nước Tần, không làm nhục sứ mệnh, rất được lòng Tần vương; khi trở về, Tần vương ban thêm cho y hàng trăm cỗ xe ngựa.

Sau khi về nước, Tào Thương rất phấn khích, nói với Trang Tử:


- Nếu bắt tôi ở trong nhà rách nát tồi tàn, suốt ngày đan giày cỏ, đói rét vàng vọt thì tôi không có khả năng đó. Khả năng của tôi là gì? Gặp quân vương nước lớn, lấy lòng ngài, đổi lấy hàng trăm cỗ xe ngựa, ấy là sở trường của tôi!

Nghe y khoe khoang xong, Trang Tử có thái độ như thế nào? Ông lạnh nhạt bảo Tào Thương:


- Tôi nghe nói vua Tần có bệnh, đã chạy chữa danh y khắp thiên hạ. Ai chữa khỏi vết loét mưng mủ của vua sẽ được thưởng một cỗ xe ngựa; ai liếm trĩ cho vua sẽ được thưởng năm cỗ xe ngựa. Chữa bệnh vua càng thấp hèn thì được thưởng càng nhiều. Này Tào Thương, hẳn là ông đã chữa bệnh trĩ cho vua Tần phải không? Không thì sao ông có thể mang nhiều xe ngựa về đến thế?

Lời nói của Trang Tử có thể là châm biếm rất sâu cay, nhưng nó đã nói rõ một điều: chữ “lợi” không thể cột được trái tim Trang Tử. Ước mơ của Trang Tử đã vượt xa khỏi “lợi”, mặc dầu ông rất nghèo khó.


Nói đến chúng ta ngày nay, một người chỉ có 10 đồng (nhân dân tệ), niềm sung sướng của người đó chưa chắc đã không bằng một người có hàng tỷ đồng. Việc trong tay có bao nhiêu tiền không thể quyết định hạnh phúc của bạn.

Trong xã hội chúng ta, người sung sướng nhất không phải là người khố rách áo ôm, cũng không phải là người giàu nứt đố đổ vách, mà thường là những người ấm no đến mức đầy đủ. Bởi vì cuộc sống của họ không đến nỗi quá quẫn bách, đồng thời họ cũng không bị của cải trói buộc, suốt ngày lo giữ của. Những người đó chiếm đại đa số trong xã hội, là những người có tư cách được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc hay không còn nằm ở suy nghĩ của bạn.

Vất vả vì “lợi”, bôn ba vì “lợi” sẽ đánh mất rất nhiều tự do, rất nhiều niềm vui của chính mình.

cafe F

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn