Showroom sản phẩm

Vì sao trung tâm thương mại Việt Nam ngày càng khốn đốn?

 Trong khi niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tăng cao trong quý I/2013, cùng với đó là niềm đam mê hàng hiệu của người Việt vẫn đứng top cao trên thế giới, các trung tâm thương mại ở nước ta vẫn tiếp tục chìm sâu trong thảm cảnh “chợ chiều”. Không thể phủ nhận sự phát triển ồ ạt, thiếu định vị khiến các trung tâm thương mại rơi vào khủng hoảng thừa. Tuy nhiên, với những chính sách phát triển ngành phân phối, bán lẻ vẫn đang nằm trên… giấy tờ của chính phủ thì việc các thương hiệu bán lẻ tháo chạy khỏi các trung tâm thương mại cũng là điều khó tránh.

 
 
 
 
Ảnh: Giáo dục thời đại
 
 
Cơ hội phát triển lớn
 
Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ hấp dẫn do dân đông và sức mua cao, và đây cũng chính là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam tăng tốc. Không chỉ vậy, bất chấp tình hình kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung vẫn chưa thoát khỏi cơn suy thoái, người tiêu dùng Việt vẫn tỏ ra khá lạc quan về tương lai.
 
Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen được công bố hồi đầu tháng 6/2013 cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 96 điểm, tăng 8 điểm so với quý trước và tăng 2 điểm so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, 39% người tiêu dùng được khảo sát cho biết cảm thấy lạc quan về việc làm, cao hơn so với mức 34% của quý IV/2012. Các nhu cầu khác cũng tăng nhẹ so với quý IV/2012 như trang trí nhà cửa tăng 3%, các sản phẩm công nghệ tăng 1%, mua quần áo mới 30% (tăng 3%).
 
Bên cạnh đó, các cơn sốt hàng hiệu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Hiện niềm đam mê các sản phẩm xa xỉ của người Việt đang đứng thứ 3 thế giới với gần 60% người được hỏi khẳng định sẵn sàng chi thêm tiền để được sở hữu các sản phẩm gắn thương hiệu cao cấp. Kết quả này chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Rõ ràng, với bản tính tiêu dùng “bốc đồng” của người châu Á nói chung và niềm lạc quan sẵn có tồn tại trong người tiêu dùng Việt Nam, đáng lẽ các trung tâm thương mại tại Việt Nam phải ngày càng phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, ngược lại tỷ lệ trống tại các trung tâm mua sắm, giải trí ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Cùng với đó là hiện tượng “tháo chạy” ồ ạt của các thương hiệu bán lẻ và tiểu thương vì thua lỗ.
 
Nỗi buồn “chợ chiều” của trung tâm thương mại Việt Nam
 
Theo kết quả khảo sát của công ty CBRE Việt Nam, phân khúc mặt bằng bán lẻ cho thuê lần đầu tiên sụt giảm mạnh trong vòng 2 quý qua, một phần là do các nhà bán lẻ đang rời bỏ khỏi các trung tâm thương mại. Cụ thể, diện tích thực thuê của thị trường này đã giảm gần 9.000 m2 trong quý II/2013. Điều đó đồng nghĩa với việc tỷ lệ trống đã tăng lên đáng kể trong quý vừa qua, dù thị trường không có nguồn cung mới.
 
CBRE cho biết một số trung tâm thương mại lớn tại khu vực trung tâm của TP.HCM đang chứng kiến đợt tháo chạy của các thương hiệu bán lẻ khi những khách thuê trong lĩnh vực ẩm thực, thời trang nổi tiếng trả lại mặt bằng. Chẳng hạn như tại tòa nhà Vincom Center A, thương hiệu Givral cũng đã rời khởi góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, quận 1, TPHCM từ cuối tháng 6 vừa qua.
 
Trong khi đó, tại Hà Nội, tỷ lệ trống của các trung tâm thương mại ngày càng cao. Sau thời gian hoạt động cầm chừng, nhiều trung tâm thương mại cao cấp ở Hà Nội buộc phải đóng cửa mà chưa hẹn ngày mở cửa lại. Đơn cử như trung tâm Grand Plaza đã buộc phải đóng cửa từ cuối năm 2012 với lý do “đang tạm tái cấu trúc”, nhưng thực tế là do quá ế ẩm. Ngoài ra, Hang Da Galleria hay trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì vắng khách, còn Ciputra Hanoi Mall thì “chết” ngay từ khi chưa kịp ra đời. Ngay cả những trung tâm thương mại cao cấp từng rất thành công cũng không thoát khỏi cái bóng “vắng lặng” đang bao trùm như Mipec Mall, Indochia Palza…
 
Hệ quả tất yếu của chính sách nửa vời của nhà nước
 
Thực tế, không thể phủ nhận, sự phát triển ồ ạt, thiếu định vị đã khiến các trung tâm thương mại rơi vào tình trạng ảm đạm trên. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, chính những quyết định đầu tư sai lầm, hụt điểm rơi, quá ảo tưởng về sự bùng nổ của thị trường bán lẻ là nguyên nhân khiến tỷ lệ “xác sống” của các trung tâm thương mại tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa khiến các hãng bán lẻ ngày càng rơi rụng khỏi các trung tâm thương mại chính là những chính sách của nhà nước chưa thực sự sát sườn với thực tế.
 
Ngành bán lẻ là một trong những ngành đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng GDP của đất nước (13-14% GDP/năm), nhưng lại chưa được chú trọng phát triển. Chính sách chung của nhà nước vẫn chưa coi trọng ngành bán lẻ như các ngành khác. Theo Luật Đầu tư (2005), hầu hết các dự án của ngành bán lẻ đều không thuộc danh mục các lĩnh vực dự án khuyến khích đầu tư. Hơn nữa, những chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ thì vẫn nằm trên… giấy tờ khiến các hãng bán lẻ đành phải “vừa đi vừa dò đường”.
 
Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhà nước hiện đã ban hành không ít chính sách phát triển dành cho ngành phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, những văn bản thiếu tính thống nhất, rời rạc và chưa có những quy định cụ thể cho các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đã khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng phát triển.
 
Bên cạnh những chính sách phát triển rời rạc, thiếu tính thống nhất cộng với tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến các doanh nghiệp bán lẻ khó khăn chồng chất khó khăn. Đương nhiên khi đó các hãng bán lẻ sẽ khó có thể trụ nổi tại các trung tâm thương mại cao cấp với giá thuê cao ngất ngưởng.
 
 Rõ ràng, không phải các doanh nghiệp bán lẻ không nhận thức được những cơ hội phát triển tiềm năng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài như hiện nay, các hãng bán lẻ cũng không đủ sức để chờ đợi những chính sách của nhà nước một ngày nào đó sẽ trở nên sát sườn thực tế hơn. Hệ quả là số lượng các trung tâm thương mại trở thành “xác sống” cũng ngày càng cao hơn do tỷ lệ rơi rụng của các hãng bán lẻ khỏi các trung tâm mua sắm không ngừng gia tăng.
 
 
Vân Du
Tổng hợp
(nguồn: songmoi.vn)

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn