Showroom sản phẩm

Siêu thị lớn cấp tập “cứu” sức mua

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2011 cả nước đạt 762.716 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng sau khi trừ đi bão giá, con số tăng trưởng thực tế chỉ còn 6,4% - thấp hơn rất nhiều so với mức 15-16% cùng kỳ các năm trước.

Trong đó, có kỳ nghỉ lễ kéo dài nhưng tháng 5 lại là thời điểm có mức tăng doanh thu bán lẻ chỉ đạt 0,68% so với tháng 4, là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Theo các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm đã vượt 12% đã khiến cho người tiêu dùng tiết giảm mạnh chi tiêu.

Chạy đua với chợ lẻ

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, hiệp hội này rất quan ngại về tình hình bão giá hiện nay, khi mà hầu như các đối tượng khách hàng đều có xu hướng giảm chi tiêu, đặc biệt là nhóm khách hàng thu nhập ở mức trung bình và thấp. Hoạt động mua sắm của người tiêu dùng không còn hồ hởi, tưng bừng như trước, mà hiện tại là "thắt lưng buộc bụng", tính toán chi ly.

Về phía doanh nghiệp bán lẻ, hiện chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ, nên không chỉ vật lộn với tình trạng leo thang của các yếu tố đầu vào, sức ép từ việc giảm sức mua, mà việc tiếp cận vốn cũng gặp nhiều khó khăn khi Chính phủ chủ trương thắt chặt tiền tệ.

Nói về tình hình sức mua hiện tại, ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng GĐ Saigon Co.op - đơn vị sở hữu chuỗi 50 siêu thị Co.opMart trên toàn quốc từ chối không đưa ra con số chính thức, mà chỉ nêu nhận xét chung chung: "Tốc độ tăng doanh số vẫn đảm bảo". Nhưng lãnh đạo hệ thống ghi nhận có một sự thay đổi rõ rệt và sâu sắc hiện nay đó là cơ cấu ngành hàng..

Theo đó ngành hàng thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2011 tại hệ thống Co.opMart đã tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, vươn lên chiếm 57% tỷ trọng trong siêu thị. "Đây là con số rất cao, cho thấy cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng đang thay đổi. Họ tập trung chú ý nhiều hơn đến thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh bão giá" - ông Nhân bình luận.

Rõ ràng, chi tiêu cho ăn uống đã chiếm một phần thu nhập không nhỏ của số đông. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - đại diện hệ thống siêu thị BigC cũng cho biết, nắm bắt được tâm lý ưu tiên các mặt hàng giá cả phải chăng, thiết yếu, ít mua hàng xa xỉ, cao cấp của người tiêu dùng, hệ thống siêu thị tổng hợp của BigC từ nhiều năm nay đã tập trung phân phối các mặt hàng thông dụng của những hãng uy tín trong nước có giá cả hợp lý.

Quả vậy, chỉ nói riêng nhóm thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, nếu trước đây luôn được người tiêu dùng đánh giá là "yếu và thiếu", chưa tạo được cảm giác tiện lợi, gần gũi và phong phú như các chợ dân sinh; vào siêu thị chủ yếu để tham quan, mua sắm các mặt hàng tiêu dùng gia dụng, thì nay tình hình đã dần thay đổi.

Các gian hàng rau xanh, thuỷ hải sản, thịt gia súc, gia cầm ngày càng "bành trướng" về diện tích, cập nhật đa dạng chiều chủng loại tại các siêu thị lớn. Đáp lại, phản hồi từ người mua cũng không có gì phải phàn nàn khi chỉ nhìn vào chương trình khuyến mại hàng tuần, hàng tháng của nhiều siêu thị cũng đủ phân biệt rằng, chương trình giảm giá khuyến mại lớn hay nhỏ, thu hút khách hay không đều lấy số lượng và mức độ giảm giá của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu làm thước đo.

"Một mặt do giá cả ngoài thị trường vừa qua tại không ít thời điểm tăng chóng mặt, mỗi ngày một giá, mặt khác, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, tận dụng được sức mạnh trong thu mua và đàm phán để có được giá cả phải chăng và ổn định, nhiều hệ thống phân phối bán lẻ có tiềm lực đã coi việc đẩy mạnh phân phối nhóm nhu yếu phẩm làm nhiệm vụ trọng tâm" - đại diện một hệ thống lý giải.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, một số siêu thị lớn đã từ chối nhập các mặt hàng tăng giá vô lý để đảm bảo quyền lợi của cả siêu thị lẫn người tiêu dùng. Nguyên nhân là do các nhà cung cấp, nhà sản xuất đề nghị siêu thị tăng giá từ 10-15%, với lý do giá điện, giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu được điều chỉnh do tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà phân phối thì những yếu tố này có thể tác động đến giá thành sản phẩm, nhưng không thể ở mức 10-15%.

Tiết kiệm đồng bộ

Ứng phó với cơn bão lạm phát của doanh nghiệp bán lẻ, không dựa vào một giải pháp riêng lẻ nào, mà đó phải là một loạt biện pháp mang tính tổng thể và linh hoạt. Doanh nghiệp phải đối mặt với cơn bão trên tinh thần: lạm phát chính là "lửa thử vàng" - "không phải để sống sót mà để được nhảy múa trong cơn mưa" - bà Đinh Thị Mỹ Loan nêu quan điểm.

Hiện tại, bên cạnh việc thu hẹp hoạt động, thận trọng trong đầu tư mới, tiết kiệm tối đa chi phí cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vị Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ VN cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ còn áp dụng 2 biện pháp chính yếu khác nhằm giữ sức mua của thị trường. Đó là tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng để tạo quan hệ gắn bó với các nhà bán lẻ thông qua các hình thức phát hành thẻ khách hàng thân thiết, chiết khấu, giảm giá... và đặc biệt ra các nhãn hàng riêng của chính nhà phân phối.

Cho đến nay hầu hết siêu thị đã áp dụng và gia tăng mô hình này. Đơn cử riêng BigC, bên cạnh nhãn hàng WOW, từ tháng 5 vừa qua đơn vị này đã ra mắt thêm nhãn hàng cao cấp hơn, có tên BigC; Metro - siêu thị bán buôn có tới 6 nhãn hàng riêng thông dụng ứng với nhiều sản phẩm từ thời trang, túi xách, hoá mỹ phẩm, thực phẩm đến điện tử, gia dụng; Saigon Co.op có nhãn hàng Co.opMart và SGC (hàng may mặc); các hệ thống khác như HaproMart, Fivimart, Maximart, CitiMart hay VinatexMart, cũng đều có những nhãn hàng riêng cho từng đối tượng khách hàng và thời điểm...

Theo giới kinh doanh, các mặt hàng thuộc nhãn hàng riêng thường rẻ hơn mặt hàng cùng loại từ 10-50%. Đây là những sản phẩm được nhà phân phối đặt nhà cung cấp, sản xuất làm ra với số lượng lớn, dành cho một đối tượng cụ thể. Điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng thấp hơn, mà giá rẻ chủ yếu do các nhà phân phối tiết kiệm được các chi phí tiếp thị (khuyến mại, quảng cáo, phân phối, làm thương hiệu).

"Chăm sóc cho nhãn hàng riêng, VN đi sau học được rất nhiều kinh nghiệm từ thế giới. Ở đây chất lượng gần như không khác biệt mà giá lại rẻ hơn sản phẩm cùng loại của nhà sản xuất, được bao gói lớn nhỏ tuỳ nhu cầu khiến người thu nhập thấp rất thích. Có thể nói, phát triển các nhãn hàng riêng là một vấn đề rất thú vị trong ngành bán lẻ; cũng là một xu hướng của nhà sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, khủng hoảng để duy trì sức mua của người tiêu dùng" - bà Đinh Thị Mỹ Loan bày tỏ tâm đắc.

Ngoài ra, một biện pháp không kém phần hữu hiệu và thú vị khác được nhiều doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ đó là sử dụng công nghệ xanh, tiết kiệm điện.

Đại diện một hệ thống gồm 14 siêu thị lớn tại VN cho biết, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng việc thay thế toàn bộ và đưa vào sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện và hệ thống quản lý năng lượng mới, tính ra mỗi năm, đơn vị này có thể tiết kiệm được gần 1 triệu đôla (tương đương với khoảng 20 tỷ đồng VN) so với hệ thống cũ. Đây rõ ràng là con số không nhỏ, góp phần tạo nên giá rẻ cho người tiêu dùng.

Lấy ví dụ một siêu thị ở Nhật vừa qua đã áp dụng tiết kiệm triệt để bằng cách cho ngừng hoạt động hệ thống tháng máy, để khách hàng tự đi bộ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tiết kiệm từng bóng đèn, từng giọt nước, tổ chức lại bộ máy, đẩy cao hơn cường độ và hiệu quả công việc chính là giải pháp tốt nhất để mỗi doanh nghiệp tự vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Phải ý thức chúng ta đang sống trong thời kỳ thay đổi rất mạnh mẽ. Trái đất bị tổn thương do con người đối xử quá tàn bạo, nguồn tài nguyên cạn kiệt. Nước có thể là lý do gây nên chiến tranh và năng lượng cũng vậy. Đầu tư vào năng lượng, công nghệ mới, chú ý đến nghiên cứu khoa học, cập nhật thông tin, chấp nhận và làm cái mới, đó chính là bản lĩnh, ý chí sắc đá không để khó khăn đè bẹp của doanh nhân" - ông khuyên.

theo vef.vn

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn