Showroom sản phẩm

"Tết Sếp" - Người đi cũng khổ, người nhận cũng phiền

 Thưởng 400 nghìn đồng, biết mua quà gì cho sếp?

Anh Huy, kế toán trưởng công ty cổ phần tin học Huy Anh (156 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh đã đi làm 5 – 6 năm nay và cũng qua một vài công ty nhưng chưa hề biết mua quà tặng sếp bao giờ.

“Ngày Tết, bạn bè tôi hay hỏi: “Mày đã “đi Tết” sếp chưa”. Tôi hay nói vui: “Tao á, tao không bao giờ đi Tết sếp cả!”, anh Huy cười rôm rả.

Không chỉ anh Huy mà tất cả nhân viên nơi anh làm việc cũng đều như thế. Càng về cuối năm, công việc càng nhiều hơn, vì vậy, không ai có thời gian để nghĩ tới chuyện tặng quà gì cho sếp.

Tết Nguyên đán Tân Mão đang đến gần, trong khi nhiều người phải trăn trở tìm mua những món quà sao cho “phải phép” với sếp, thì không ít người lại rất dửng dưng với việc này, bởi họ chưa bao giờ biết biếu xén là gì

Ở công ty anh Huy, mọi người chỉ quan tâm đến kết quả công việc của cả một năm qua, ai làm tốt thì thưởng nhiều, ai kém hơn thì thưởng ít. Mặt khác, trong hợp đồng lao động cũng đã ghi rõ ràng vị trí, nhiệm vụ của từng người, quan hệ giữa sếp và nhân viên không hề mang tính ân huệ.

Sếp chỉ cần mình làm được việc, mang lại nhiều tiền cho công ty. Còn mấy thứ quà biếu đó, thú thực, chắc sếp tôi cũng không mấy quan tâm”, anh Huy nói.

Không chỉ Tết, mà gần như tất cả các dịp lễ khác trong năm, cơ quan anh Huy cũng đều không có phong trào tặng quà cho sếp. Vì thế, gần như không mấy ai quan tâm đến việc sếp sinh nhật ngày nào, hay thói quen, sở thích của vợ, con sếp là gì.

Giống như anh Huy, chị Lan Anh, nhân viên bán hàng công ty vật liệu Trung Kiên, số 10 Hoàng Quốc Việt cũng chưa từng biết đến chuyện đi tết sếp. Theo chị Lan Anh, ở các công ty tư nhân như chỗ chị, chính kết quả làm việc của nhân viên đã trực tiếp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi nhuận đó thì chính sếp là người được hưởng sau khi trừ đi chi phí và lương, thưởng cho nhân viên.

Vì thế, cả sếp và nhân viên đều có quan điểm rất sòng phẳng, họ chẳng cần quan tâm đến chuyện quà cáp phiền phức, mất thời gian kia làm gì.

Mình đi làm, mình bỏ công sức để nhận lấy tiền lương là một điều rất tử tế và lương thiện, không cần phải “nịnh" ai nếu mình cảm thấy không thích và không cần thiết”, chị Lan Anh bày tỏ.

Ngoài ra, theo chị Lan Anh, với những công ty thưởng tết nhiều thì còn có “đồng ra, đồng vào” để mua quà tặng sếp, chứ như công ty chị, năm ngoái mỗi người được thưởng 400 nghìn đồng thì nếu có đi tết sếp, cũng không biết chọn món quà nào cho “phải phép” với sếp.

Có lẽ, việc đi sếp chỉ phổ biến ở các cơ quan Nhà nước, vì ở đó ngoài lợi ích về kinh tế, nhân viên còn bị phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan về lợi ích "chính trị" (như chuyện cất nhắc vị trí làm việc). Còn tại nhiều công ty tư nhân hiện nay, nó đã hình thành một thứ văn hóa “không quà Tết sếp”.

“Nhận quà mình cũng khó ăn khó nói”

Chuyện tặng quà cho sếp phải chăng cũng là một biểu hiện về cung – cầu

Theo quy luật kinh tế thị trường, có cung ắt sẽ có cầu. Chuyện tặng quà cho sếp phải chăng cũng là một biểu hiện về cung – cầu. Ở các công ty tư nhân, điều mà các sếp yêu cầu đối với nhân viên là hiệu quả công việc, chứ không phải là những món quà với ý nghĩa “nịnh bợ” hay biếu xén. Do đó, ở những nơi này, việc tặng quà sếp gần như không tồn tại.

Anh Lê Thanh Lâm, Giám đốc công ty cổ phần nhiệt điện Thăng Long cho biết, càng về Tết, lịch làm việc, tiếp khách của anh càng dày đặc, vì thế cũng không có thời gian để ở nhà nhận quà của nhân viên.

Món quà tặng lớn nhất của tôi là sự chăm chỉ làm việc của nhân viên. Họ càng tích cực bao nhiêu thì cuối năm, món quà của tôi càng lớn bấy nhiêu”, anh Lâm chia sẻ.

Với một doanh nghiệp tư nhân như công ty anh Lâm, nguồn vốn hoàn toàn là do anh và một số người bạn bỏ ra làm ăn, do vậy, bất cứ nhân viên nào làm việc không hiệu quả cũng sẽ bị sa thải. Ai cũng ý thức được điều đó, nên Tết đến gần nhưng không một nhân viên nào có ý định sẽ “nịnh” sếp bằng các món quà.

Là sếp nên chắc sẽ giàu hơn nhân viên. Tôi cho rằng người giàu đã không giúp được gì cho người nghèo hơn mình thì cũng không nên nhận quà của họ. Món quà với mình không biết bao nhiêu là vừa, nhưng với những người lao động đi làm thuê thì đó lại là cả số tiền lớn. Tết đến, họ lại nhiều khoản tiền phải chi tiêu. Vì vậy, mình nhận quà của họ chắc cũng không thấy vui”, anh Lâm bày tỏ.

Anh Dũng, hiện là giám đốc một công ty tư nhân, trước đây từng là “sếp” trong một đơn vị nhà nước, cũng rất ngán ngẩm với chuyện nhận quà. Anh Dũng kể, khi còn là người nhà nước, cứ đến Tết Nguyên đán, nhà anh lại tràn lan các loại bia, rượu Tây, bánh mứt kẹo. Mặc dù, đã có kinh nghiệm không sắm nhiều hàng tết để chờ hàng biếu, nhưng năm nào nhà anh cũng phải đem đi phân tán bớt cho họ hàng mới hết được số quà biếu tặng.

Các món quà giống nhau đến lạ, họ tặng xong tôi còn không nhớ quà này là của ai. Vì vậy, tuy mất khá nhiều công sức, tiền của chọn quà nhưng thực sự lại không đọng lại chút gì trong người nhận. Tôi bảo anh em nhiều lần không phải quà cáp, nhưng họ tưởng mình khách sáo nói thế, nên vẫn “gồng gánh” quà cáp đến”, anh Dũng kể lại.

Từ khi ra làm tư nhân, anh Dũng đã “rèn” ngay cho nhân viên của mình thói quen không tặng quà sếp. Vì theo anh, “Nhận quà rồi mình cũng khó ăn khó nói”, trong nhà nước thì còn kiêng nể nhau, chứ tư nhân thì ai không làm được thì buộc phải thôi việc. Vì thế, không nhận quà của nhân viên cũng là một cách làm việc văn minh và khoa học.

Tôi chỉ nhận quà nếu món quà đó là đặc sản quê hương như: gạo nếp, nem chua,…Tuy giá trị không nhiều, nhưng họ phải quý mình lắm mới cất công mang ra tặng”, anh Dũng chia sẻ.

Theo Bee

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn