Showroom sản phẩm

Cực chẳng đã mới phải "quắp" con đến công sở

 Tha con tới công sở - Nỗi niềm lắm nỗi đắn đo?

   Là phụ huynh có con nhỏ, ai cũng muốn có nơi chốn gửi gắm con để an tâm đi làm. Thế nhưng vẫn có lúc trường, lớp của con được nghỉ đột xuất khiến các chị em văn phòng không thể trở tay. Cuối cùng vì không thể thu xếp nên chị em đành buộc tha con đến công sở “một công đôi việc”.
 
   Thứ 5 tuần trước, vì nhà ô sin có việc gấp nên chị Hồng Nhung (Ngõ 5, Đống Đa, Hà Nội) đành lòng phải cho người giúp việc về quê vài hôm. Từ khi quyết định cho ô sin về lo việc gia đình, chị lo nơm nớp vì 3 ngày em giúp việc về quê cũng đồng nghĩa với việc con gái 3 tuổi của chị phải ở nhà một mình. Công việc thì không thể nghỉ được, nhất là cuối tuần, bên chị vẫn họp định kỳ với các bên đối tác. Ở Hà Nội không người thân thích, nhà chị lại mới mua về đây nên vẫn chưa thân thiết với hàng xóm. Suy đi tính lại, chị quyết lôi con đi làm cùng để vẫn đảm bảo tốt công việc và lại có thể trông con được. "Nhưng đến công ty của mẹ, con lạ lẫm nên cứ khóc ời ời đòi về nhà, lúc nào cũng bắt mẹ bế. Thế là báo hại cả ngày mẹ vừa mệt nhoài vì dỗ dành con, vừa phải một tay online để làm việc” - Chị Nhung chia sẻ.

Vừa trông con, vừa phải hoàn thành việc quả là một áp lực không nhỏ với chị em. nhưng...
(Ảnh: Meyeucon)
 
   Cũng gần giống với trường hợp của chị Nhung, chị Phạm Thanh Vân (nhân viên Công ty truyền thông T) ở Kim Mã cũng cực kỳ áp lực khi không thuê được người trông con lúc đột xuất. Ông bà nội ngoại đều ở quê, chồng chị do yêu cầu công việc lại hay đi công tác dài hàng tuần mới về. Thế nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do chị lo lắng.“Công việc nặng nhọc đến đâu chị cũng không sợ, không cảm thấy áp lực bằng việc con được nghỉ đột xuất. Những lúc ấy, chị vẫn phải gồng mình lên nghĩ kế nhờ gửi con hoặc buộc phải đưa con đến công ty. Mà công ty của chị các bộ phận ngồi cùng nhau trong một văn phòng rộng, trong khi con cứ chạy lăng xăng khắp chốn và hò hét làm chị thấy ngại với mọi người quá. Nhưng cũng đành phải trơ mặt ra".
 
   Do đó, khi mang con tới nơi làm việc, chị Vân cũng rất tế nhị điều này. Chị vừa trông cô con gái nghịch ngợm, cố phải đảm bảo được công việc ngày hôm đó mà không làm ảnh hưởng đến việc của các đồng nghiệp khác.
 
   Để không phải đem con lên văn phòng, nhiều chị em như chị Huệ ở Cầu Giấy cũng phải khốn đốn “cõng” giá trông con từ trên trời rơi xuống với các dịch vụ trông trẻ lúc đột xuất. Chấp nhận với cái giá cắt cổ là 200 ngàn/ngày để gửi con ở lớp đặc biệt, nhưng chị cũng chưa mấy yên tâm khi cậu con trai 4 tuổi hơi nhút nhát của chị cứ mếu máo phụng phịu suốt cả ngày vì lạ. “Mà cũng phải thôi vì phải tận một vài tuần hoặc thậm chí mấy tháng trời, chị mới mang con đến đây gửi”. Vì thế, thương con ở lớp xa lạ, chị lại lùng tùng cõng con lên văn phòng. Nhưng ngặt nỗi, công ty chị có nhiều chị em rất khó tính. Khi thấy con chị chạy nhảy nghịch ngợm trong văn phòng, nhiều lần chị nhận được cái nhìn "liếc xéo" đầy khó chịu.
 
Quắp con đến công sở - Trăm nỗi lo tiềm ẩn của người mẹ trẻ
 
   Với những môi trường công sở thoải mái thì không có vấn đề gì đáng nói. Nhưng với những nơi quá nghiêm ngặt thì chuyện mang con tới công sở lại tiềm ẩn nhiều nỗi lo mất việc, mất lòng đồng nghiệp của các chị em.
 

... vì "bất khả kháng" nên chị em vẫn phải "trơ mặt thớt" để mang con đến công ty.
(Ảnh: Xaluan)
 
   Nhớ lại việc đau đầu này, chị Lê Giang (nhân viên quảng cáo của công ty P) vẫn buồn buồn nói: Bình thường, phòng quảng cáo ở công ty chị vẫn được coi là phòng có áp lực nhất. Vì thế, chuyện đời tư như nào, sếp không quan tâm, chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc. Hầu hết chị vẫn cố gắng làm tốt công việc được giao, nhưng chỉ vì một lần lớp mẫu giáo 5 tuổi của con chị đi tham quan, bé nhà chị không đi vì lý do sức khỏe nên chị đã phải mang con tới công ty. Vì vừa phải để ý trông con, vừa phải giải quyết công việc nên chị không tập trung hoàn toàn làm suýt chút nữa thì bỏ qua một hợp đồng quảng cáo lớn. Ngay lập tức chị đã bị sếp mắng một trận te tua. “Từ lần bị sếp mắng, tôi chừa mang con lên văn phòng luôn. Mỗi khi không thu xếp được khi con nghỉ đột xuất, một trong 2 vợ chồng đành phải cố gắng xin nghỉ làm ở nhà trông con”.
 
   Bị sếp mắng vì lơ là công việc đã đành, những chị em vác con đến công sở còn phải đối mặt với nguy cơ làm phiền đồng nghiệp cao độ và thậm chí bị đồng nghiệp ghét. Riêng về chuyện này, qua khảo sát các chị em đang làm việc tại văn phòng, hầu hết các chị em đều “ca thán” về điều này. Chị Thúy - nhân viên bán hàng của một web online nói: Vì sáng thứ 7 tôi vẫn phải đi làm bình thường nhưng con thì chỉ học đến hết chiều thứ 6, thế là lúc thì phải vác con lên công ty bố, lúc lại vác con lên công ty mẹ. Con 7 tuổi học lớp 1 rồi nhưng vẫn nghịch ngợm khủng khiếp. Lên công ty mẹ, cứ chểnh mảng 1 cái là con nghịch ngợm khiến các đồng nghiệp của chị dù vui tính và cởi mở đến đâu cũng cảm thấy khó chịu khi liên tục phải nhắc nhở cháu. Khi ấy là mẹ chắc cũng sẽ bị ghét lây.
 
   Dẫu biết “đèo bòng” con tới công sở luôn là chuyện không chị em nào muốn, nhưng vì bất khả kháng, những chị em có con nhỏ vẫn phải “trơ mặt” cho con theo tới văn phòng làm việc. Dù ai đó phê phán, ai đó nói này nói nọ nhưng hãy hiểu cho nỗi đắn đo và vất vả của chị em văn phòng nhé.
Theo Afamily

Bài liên quan
Hệ thống đại lý
ĐỐI TÁC TRUYỀN THỐNG CỦA THIÊN QUANG FASHION
Hotline:
04.3650.1791 / 04.3873.6838
 
Bản quyền © CÔNG TY CỔ PHẦN THỜI TRANG THIÊN QUANG
Trụ sở chính: Số 21A Trần Phú, quận Ba Đình, Hà nội. Tel: (+84.4) 3 747 8275 / 3 873 6838 - Fax: (+84.4) 3650 1791
Email: contact@thienquang.com - http://www.thienquang.com - http://thienquang.com
Powered by: CIINS Design by: Webdesign.vn